ĐT Tây Ban Nha bị loại khỏi World Cup với thất bại trong loạt sút luân lưu trước Morocco ở vòng 1/8. Đội bóng của Luis Enrique một lần nữa kiểm soát bóng vượt trội nhưng không thể thành công và câu hỏi lại được đặt ra về bản sắc bóng đá của họ.
Thêm một đêm ảm đạm, thất vọng đối với Tây Ban Nha, một đêm chứng kiến đội vô địch năm 2010 không lọt vào tứ kết của kỳ World Cup thứ ba liên tiếp. Hơn 1.000 đường chuyền và chỉ một lần sút trúng đích. Đó là con số thống kê tóm tắt tốt nhất về La Roja.
Tây Ban Nha hứa hẹn rất nhiều, nhưng cuối cùng, và không phải là lần đầu tiên trong những năm gần đây, họ thực hiện được rất ít. Số phận của họ một lần nữa bị định đoạt trên chấm phạt đền. 3 lần thực hiện, thất bại cả 3.
Đội tuyển Morocco đã thi đấu xuất sắc trong suốt trận đấu và xứng đáng giành chiến thắng. Và Tây Ban Nha cũng nhận được những gì họ xứng đáng.
Vẫn là những vấn đề quen thuộc. Đội tuyển Tây Ban Nha đã thống trị các trận đấu quốc tế từ năm 2008 đến 2012, vô địch 3 giải đấu lớn liên tiếp, đã thành công vì họ biết cách kiểm soát bóng. Nhưng không phải như cách chơi hiện tại.
Họ kết thúc giải đấu với 77% thời gian cầm bóng nhưng ít cú sút hơn Hàn Quốc và Senegal. Họ ghi 9 bàn nhưng 7 trong số đó đến ở trận mở màn gặp Costa Rica.
Chuyên gia của Sky Sports, Gary Neville, đã bị chế giễu khi nói rằng La Roja không có đủ hỏa lực nhưng cuối cùng ông đã được chứng minh là đúng.
Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những gì Tây Ban Nha thiếu.
Với tất cả những phẩm chất kỹ thuật trong đội, với tất cả tài năng trẻ trung của Gavi và Pedri bên cạnh Sergio Busquets lão luyện ở hàng tiền vệ, họ đã phải vật lộn để tạo ra cơ hội cũng như dứt điểm.
Trước Đức, Nhật Bản và Morocco, họ chỉ có được tổng cộng 2,59 bàn thắng dự kiến. Xuyên suốt cả 4 trận, trong hơn 7 giờ thi đấu, không cầu thủ Tây Ban Nha nào tạo ra nhiều hơn 5 cơ hội.
Alvaro Morata không phải là mẫu trung phong xuất chúng mà Tây Ban Nha cần. Nhưng anh ít nhất cũng kết thúc giải đấu với 3 bàn thắng. Tiền đạo này có thể tranh luận một cách hợp lý rằng anh đã làm đúng phần việc của mình. Những người khác thì không thể.
Không phải là Pedri và Gavi. Trách nhiệm chủ yếu thuộc về huấn luyện viên Luis Enrique, người chắc chắn sẽ cảm thấy rằng ông đã đặt quá nhiều áp lực lên đôi vai của cặp đôi trẻ của Barca.
Enrique đã cố gắng giảm bớt áp lực đó vào đêm trước trận đấu. “Lo lắng về ngày mai ư, nhưng tại sao lại phải lo chứ?”, ông nói với một cái nhún vai, trả lời bình luận của một người ủng hộ trên nền tảng phát trực tuyến Twitch, như vẫn làm trong suốt giải đấu.
Ông háo hức thể hiện sự bình tĩnh – “chúng tôi thoải mái, tự tin và hào hứng khi trận đấu bắt đầu”, Enrique nói thêm – nhưng điều đó không truyền đến các cầu thủ của ông. Không phải sau những gì đã xảy ra với Nhật Bản – và không phải với tất cả các thất bại mà họ phải nhận từ các giải đấu trước.
Trong trận đấu với Morocco, sự thiếu bình tĩnh có thể thấy ở việc Jordi Alba chuyền bóng thẳng ra ngoài. Busquets và Rodri, những người thường kiểm soát bóng một cách chỉn chu, thay phiên nhau để mất bóng ở phần sân của mình.
Tất nhiên, Morocco xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ vì cách họ gây ra khó khăn cho Tây Ban Nha. Họ biết những lỗ hổng của Tây Ban Nha và thực hiện kế hoạch của mình một cách xuất sắc. Mặc dù không ghi được bàn thắng nào nhưng họ xứng đáng đi tiếp sau loạt đá luân lưu đầy bản lĩnh.
Nhưng rốt cuộc Tây Ban Nha vẫn phải nhìn lại chính mình.
Các trang nhất của các tờ báo thể thao của đất nước này đã đăng những thông điệp tương tự vào buổi sáng sau trận đấu.
Tất cả đều phản ánh những bình luận của Luis Enrique rằng Tây Ban Nha sẽ trung thành với triết lý của họ, bất chấp thất bại trước Nhật Bản trong trận đấu cuối cùng vòng bảng.
Tuy nhiên, cuối cùng, sự cống hiến cho lối chơi của họ, để độc quyền kiểm soát bóng và tìm cách bóp nghẹt đối thủ từ từ, đã bị biến thành một chướng ngại vật hơn là một huy hiệu danh dự.
Đối đầu với Morocco, khi họ chuyền bóng từ bên này sang bên kia sân trong khi đối thủ của họ lùi lại và chờ đợi để lao lên phản công, rõ ràng là Tây Ban Nha đang rơi vào vòng lặp bế tắc.
Trên thực tế, chỉ sau khi Nico Williams được tung vào sân ở phút 75, họ mới bắt đầu có những pha bóng tạo ra khác biệt. Sự trực diện của cầu thủ 20 tuổi, sẵn sàng áp sát các hậu vệ, mang đến yếu tố khó đoán mà Tây Ban Nha vô cùng thiếu.
Tuy nhiên, đến lúc đó thì đã quá muộn.
Morocco, được khích lệ bởi tất cả những gì đã diễn ra trước đó, chưa bao giờ thực sự muốn để trận đấu trôi qua và lẽ ra có thể giành chiến thắng mà không cần đến những quả phạt đền nếu cầu thủ vào thay người Walid Cheddira chính xác hơn.
Luis Enrique đã nói về việc yêu cầu các cầu thủ của mình thực hiện “1.000 quả phạt đền” để chuẩn bị cho giải đấu nhưng khi loạt đá luân lưu diễn ra, mọi niềm tin đã vụt tắt.
Tây Ban Nha, bị Italia đánh bại trên chấm phạt đền tại EURO năm ngoái, tiếp tục vô duyên với loạt “đấu súng”. Pablo Sarabia, Carlos Soler và cuối cùng là Busquets đều đá hỏng.
Khi Morocco bắt đầu ăn mừng, Tây Ban Nha lại phải điều trị vết thương. Một giải đấu hứa hẹn nhiều nhưng mang lại ít kết quả. Và một cuộc khủng hoảng về niềm tin với triết lý của mình đang diễn ra.