Không có công thức chung nào để trở thành Vua phá lưới World Cup. Nhưng nếu bạn là người Đức thì việc ghi bàn tại World Cup có lẽ sẽ dễ dàng hơn.
Trong lịch sử World Cup mới có 7 cầu thủ sở hữu trên 10 bàn thắng. Riêng Đức đã chiếm số lượng vượt trội với 3 cái tên Miroslav Klose (16 bàn), Gerd Mueller (14 bàn) và Juergen Klinsmann (11 bàn). Trong đó Klose nắm kỷ lục 16 bàn (qua 4 kỳ World Cup) mà chưa ai phá được.
Còn trong 4 kỳ World Cup gần đây, có tới 2 kỳ danh hiệu Vua phá lưới thuộc về người Đức. Đó là Thomas Mueller (5 bàn) vào năm 2010 và Klose vào năm 2006 (5 bàn). Trong suốt chiều dài lịch sử World Cup, các cầu thủ Đức đã ghi tổng cộng 231 bàn thắng nhiều hơn bất kỳ đội tuyển nào khác. Đứng thứ hai là Brazil với 229 bàn thắng.
Những thống kê cho thấy người Đức ghi bàn ở World Cup giỏi hơn bất kỳ ai khác, cho dẫu họ không phải là đội bóng theo đuổi triết lý tấn công hấp dẫn, không phải là nơi tập hợp các ngôi sao tấn công có phẩm chất thượng hạng. Người Đức “chỉ” giỏi về tính khoa học, chính xác và kỷ luật như một cú nhập đúng nhịp của Klose.
Klose có một sự nghiệp bền bỉ ở cấp CLB, song không thực sự ấn tượng. Cựu tiền đạo sinh năm 1978 đã không đoạt Vua phá lưới giải VĐQG lần nào trong 10 mùa giải cuối cùng tại Bayern và Lazio. Nhưng hễ tới World Cup là Klose bùng nổ bằng sự lạnh lùng và chính xác. Ở Klose có tư duy sắc nét về việc đưa bóng vào khung thành bằng cảm nhận không gian, tình huống và ra quyết định xử lý đúng đắn nhất.
Gerd Mueller, Juergen Klinsmann, Thomas Mueller hay Oliver Bierhoff cũng có cái “chất” này. Xem họ thi đấu không thấy bắt mắt nhưng hiệu quả ghê gớm. Nếu nói về sự đa dạng trong phong cách chơi bóng thì quả thực người Đức chưa thể so với Brazil. Romario hoàn toàn khác Ronaldo (béo) và Gabriel Jesus lại là một phiên bản hiện đại đầy mới mẻ.
Đó cũng là một hạn chế của bóng đá Đức. Kể từ sau Klose họ đã không còn sản sinh ra những tiền đạo ở đẳng cấp hàng đầu. Timo Werner là số 9 tốt nhất mà Hansi Flick có thì vốn dĩ không phải là số 9 chuẩn mực (Werner đá cánh hay hơn). Serge Gnabry, Leroy Sane là cầu thủ tấn công tự do. Karim Adeyemi hay Youssoufa Moukoko vẫn còn trên đà phát triển.
Nhưng vẫn còn đó Niclas Fullkrug. Tiền đạo đã ghi 10 bàn ở Bundesliga mùa này được trao cơ hội tới World Cup nhờ chấn thương của Werner và Lukas Nmecha. Fullkrug dĩ nhiên không lọt vào danh sách ứng viên đoạt Vua phá lưới tại Qatar. Bởi ngay đến suất đá chính còn chưa đến lượt tiền đạo của Bremen.
Nhưng Fullkrug là mẫu tiền đạo Đức điển hình với kỹ năng dứt điểm toàn diện, khả năng đánh hơi nhạy bén và cái đầu lạnh lùng. Chính chân sút 29 tuổi đã mang về chiến thắng tối thiểu trước Oman bằng bàn thắng duy nhất, trong trận đấu mà Flick nhận xét “Fullkrug rất thông minh trước khung thành đối phương”.
Fullkrug có gì đó rất giống Bierhoff, người hùng EURO 1996 của Đức, từ ngoại hình to lớn, từ việc được gọi lên tuyển ở tuổi U30 để tham dự một giải đấu lớn. Nên nhớ, Fullkrug có gen ghi bàn từ trong máu với ông nội Gerd Fullkrug từng là tiền đạo của Arminia Hannover còn em gái Anna-Lena đang là tiền đạo của Hannover 96. Cái “chất” tiền đạo Đức vẫn đậm đặc trong Fullkrug. Hãy chờ xem!